Vào mùa mưa, thời tiết thay đổi đột ngột, ngày nắng, chiều mưa, trời mới còn nóng nực nhưng tí sau đã có thể trở lạnh. Sự thay đổi thời tiết thất thường là điều kiện làm gia tăng các bệnh về tai mũi họng, trong đó phải kể đến bệnh viêm mũi họng, viêm xoang.
Mũi là phần đầu của đường hô hấp, có chức năng dẫn khí từ môi trường ngoài vào qua 2 lỗ mũi sau xuống họng thanh quản, khí phế quản để vào phổi. Không khí đi vào mũi sẽ được làm ẩm, làm ấm, lọc bụi và tiệt trùng 1 phần trước khi vào phổi nhờ vào lớp nhầy đôi (lớp nhầy nông quánh và lớp thanh dịch bên dưới) lót trong niêm mạc mũi. Khi không khí chuyển lạnh đột ngột, độ ẩm tăng cao làm cho lớp nhầy trong hốc mũi và họng trở nên đặc và quánh hơn, lúc này lớp lông chuyển của mũi họng vận động khó khăn dẫn đến khả năng làm sạch, làm ấm, làm ẩm không khí của mũi họng giảm, do đó mũi họng dễ bị viêm hơn.
Bệnh viêm mũi họng, viêm xoang có thể gặp ở tất cả các mùa nhưng với mùa lạnh, mùa mưa sẽ gây ra khó chịu nhiều hơn bởi các triệu chứng trở nên kéo dài và tái phát cũng diễn ra nhanh hơn. Những biểu hiện của viêm mũi họng, viêm xoang thường gặp như hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc nước mũi đục, vàng khi đang ở tình trạng viêm cấp, ngứa mũi, đau nhức vùng mũi, vùng xoang, nghẹt mũi một bên hoặc cả hai bên, người mệt mỏi, có khi nhức đầu, ngứa mắt, chảy nước mắt… Khi mắc bệnh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, công việc, học tập cũng như giao tiếp.
Để phòng ngừa, chúng ta có thể:
-
Luôn luôn giữ ấm là điều rất quan trọng trong mùa mưa, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi khi trời lạnh.
-
Dùng khẩu trang hoạt tính khi đi ra ngoài đường không những giữ ấm được mũi mà còn hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn.
-
Không tắm nước lạnh mà cần tắm nước nóng, tắm nhanh , lau thân mình và đầu, mặt, cổ thật khô và mặc quần áo ngay.
-
Vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý. Giữ họng và miệng không bị viêm sẽ hạn chế việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát, bởi hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau.
-
Những người đã bị viêm xoang mạn tính và cả người bình thường thì hàng ngày nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý và nên đi khám khi có những nghi ngờ bị, biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp. Người bị viêm xoang và viêm xoang tái phát cần thiết điều trị theo đơn của bác sĩ, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Vì nếu làm như vậy sẽ lợi bất cập hại, nghĩa là bệnh không khỏi mà có khi còn tăng lên hoặc gây tai biến rất nguy hiểm.
-
Viêm mũi họng là bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp do đó cần tránh tiếp xúc với người bệnh. Nếu chẳng may bạn bị bệnh, bạn cũng nên rửa tay thường xuyên nhằm hạn chế sự lây lan của vi khuẩn khi bạn dùng tay che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
-
Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống điều độ, nhiều rau xanh, chất xơ, hoa quả,… năng tập thể dục thể thao.
Ths. Bs. Nguyễn Yến Xuân
Chuyên khoa Tai Mũi Họng
Phòng khám đa khoa quốc tế Monaco Healthcare